HomeTin tức

Lời cảnh tỉnh chúng ta

Xem thêm:

  • Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt

Thói hư tật xấu của người Việt: tha hóa tự nhiên, đáng chê cười, Phạm Quang Sán, 1914

Nước ta theo đạo thánh hiền, dân khai hoá cũng đã lâu nhưng ví với các nước văn minh thì trí khôn còn thiếu, tư cách chưa toàn, chưa hiểu nghĩa vụ riêng là thế nào, chưa biết trách nhiệm chung ra sao. Nộp thuế là của tiêu chung mà còn có người dân ẩn lậu; đi lính là giữ cho mình mà còn có người trốn tránh; đê điều cấm phòng thân lừa ưa nặng không đánh không đi; lại có những kẻ nay trộm mai cướp không để cho dân yên nghiệp.
(Phạm Quang Sán, Nước ta đã dùng được phép luật văn minh chưa? Đông dương tạp chí, 1914)

Hệ tư tưởng Đức, Tư bản luận, Karl Marx, 1846
(dự báo xuyên thời đại về xã hội tư bản đang đến)

… Tha hóa đồng nghĩa với biến chất, mất đi phẩm chất, mất đi những giá trị làm người, ta không còn là ta, ta đã đánh mất ta. Sự bóc lột trong xã hội tư bản làm cho con người nghèo khổ, đánh mất giá trị của mình. Đồng tiền của tư bản đã làm cho người công nhân bị tha hóa. Đồng tiền đã chế ngự họ, làm cho họ trở nên sống sùng bái đồng tiền. Trong sản xuất của chủ, người công nhân trở thành một loại sản phẩm, và họ càng ngày càng trở nên nghèo nàn hơn trong đời sống nội tâm, và càng ngày họ mất đi thời gian chăm sóc mình, xa lánh và mất dần bản thân.

Sản phẩm lao động không thuộc về người thợ. thể xác, tinh thần, những đau khổ, những mệt mỏi, yếu đuối, đời sống riêng tư… tất cả đều chống lại người thợ, độc lập với người thợ và không còn thuộc sở hữu họ. Họ xa lạ với sản phẩm, với nhau và với thế giới loài người.

Nhà tư sản thông qua bóc lột ngày một giàu có hơn, tư bản nhiều hơn, cũng trở nên bị tha hóa. Dựa trên tư hữu cho bản thân ngày một nhiều, họ đặt sự ích kỷ thành triết lý sống, đặt lợi nhuận lên trên hết. Họ sẵn sàng làm xói mòn đạo đức xã hội, tìm cách tư hữu cả tài nguyên sở hữu của xã hội, gây băng hoại xã hội. Sự tự do quá trớn của cá nhân trong xã hội tư bản làm nảy sinh các nhu cầu quái dị, các loại tệ nạn xã hội… Cuối cùng sẽ tước đoạt hạnh phúc của nhiều người khác…

Nhân cách tuyệt chủng, Dương Ngọc Dũng

… hiện nay một hệ thống giá trị để giúp cá nhân định hướng sự phát triển tinh thần không tồn tại hay nếu có tồn tại cũng chỉ là một hình ảnh già nua, mờ nhạt, một kỷ niệm hơn là một động lực mạnh mẽ khuyến khích cá nhân tự thăng tiến theo một chiều hướng tích cực (hăng say học tập, nghiên cứu, phát triển phong cách sống bác ái, vị tha… không tôn thờ thần tài…). Giá trị được cưu mang bởi các cá nhân được xem là mô hình lý tưởng trong một xã hội. Những cá nhân đó, nếu vẫn tiếp tục tồn tại, cũng giống như loài cá voi trước hiểm họa bị lùng bắt, đã phân tán quá mỏng trên đại dương bao la của đời sống và không thể liên hệ, nối kết với nhau, để sản sinh ra một thế hệ kế thừa vững chãi tiếp tục đi lên trên một nền tảng nhân cách đã được xác lập. Họ là những tiếng nói yếu ớt bị gió cuốn đi trong sa mạc văn hóa. Không ai lắng nghe họ hay chỉ giả vờ lắng nghe. Tòa nhà văn hóa đang có nguy cơ bị… quy hoạch và mọi người xôn xao bàn ra tán vào, nhưng điều mà họ bàn tán là “quy hoạch rồi thì chuyển đi đâu, tiền bồi thường là bao nhiêu” chứ không mảy may quan tâm đến việc xem xét lại nền móng của tòa nhà. Nền móng đó chính là nhân cách được xây dựng trên một hệ thống giá trị ổn định, một hệ thống được cụ thể hóa trong các cá nhân được xem là mô hình lý tưởng.

Quốc gia phải hỗ trợ gia đình trong việc kiến tạo một hệ thống giá trị ổn định, gia đình phải hỗ trợ cá nhân trong việc xây dựng một nhân cách vững chắc, cá nhân định hướng sự phát triển tư duy theo các mô hình lý tưởng được cộng đồng đề cao, ngưỡng mộ. Một khi nhân cách trở thành một khối bèo nhèo nhũn nát như hiện nay thì nguy cơ tuyệt chủng nhân cách cũng không còn xa xôi nữa. Những mô hình xa hoa, trụy lạc và các phương tiện đề cao các mô hình đó tràn ngập trên thị trường văn hóa, bao vây ngũ quan của thế hệ trẻ. Chúng còn có thể nhìn thấy gì, nghe thấy gì trong bầu không khí ồn ào nhiễu loạn hiện nay? Còn những cá nhân cưu mang một hệ thống giá trị khác bây giờ đang ở đâu? Hay chính bản thân họ cũng đang than khóc trong xó tối cuộc đời trên con đường về quên lãng?

Những chấn thương tâm lý hiện đại, Vương Trí Nhàn

– Ai sinh ra cũng là một con người, nhân cách sinh ra chưa có mà còn trải qua tự đào luyện với sự giúp đỡ của lý trí sáng suốt. Trong quá trình làm ra chính bản thân mình này, cá nhân cần đến sự trợ giúp của mọi mặt kiến thức: Hiểu biết về chung quanh đã cần, mà hiếu biết về bản thân cũng cần thiết không kém. Rồi hiểu biết về xã hội đương thời, hiểu biết về lịch sử. Mà để có được những hiểu biết sâu sắc và chắc chắn, từ xưa đến nay, nhân loại chưa tìm thấy thứ công cụ nào hiệu nghiệm hơn sách vở.

– Không chỉ vấn đề môi trường thiên nhiên bị tàn phá mà cả môi trường văn hóa, môi trường ngôn ngữ… cũng đang hết sức nhếch nhác, luộm thuộm. Nó làm hại đến khả năng giao tiếp, khả năng kết dính của toàn xã hội. Quan hệ giữa người với người tệ tới mức đáng báo động. Hình như nhiều người sống bằng lòng căm giận người khác thay vì đáng lý phải yêu thương, chia sẻ, nhẫn nại, hy sinh… Nguy hại hơn, hiện tượng này xuất hiện ở cả hai nhóm đối tượng là quần chúng đông đảo và cả ở những người vốn được coi là trí thức, là những người có văn hóa, là tinh hoa của xã hội.

– Xã hội bây giờ có tình trạng “loạn cương”, phi chuẩn hóa, mỗi chợ một cân, mỗi đồng hồ chỉ một giờ. Trong hoàn cảnh như vậy thì anh nào mạnh mồm, liều lĩnh, anh ta sẽ thắng. Mặt bằng giá trị không còn, con người không còn biết đến sự thiêng liêng. Thậm chí, ngay cả đến thần thánh họ cũng chỉ biết đến cầu lợi, hối lộ. Những niềm tin kiểu đó sao mà chắc chắn được. Có vẻ như dân ta rất thiếu nghiêm chỉnh trong việc làm người. Việc đánh thức lương tâm để mỗi người tự nhận thức và ý thức được sự thiêng liêng của hai chữ “con người”, vì vậy, là vô cùng cần thiết!

– Bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm của một người nhiều năm làm văn hóa, tôi tin đã đến lúc chúng ta phải nói thật với nhau: Giống như lạm phát trong kinh tế, văn hóa của chúng ta đang thực sự ở trong tình trạng khủng hoảng/ xuống cấp/ suy thoái. Khi bắt đầu nghĩ như vậy, tôi cũng cảm thấy buồn và muốn tự bác bỏ mà chưa làm nổi. Tôi cầu mong có thêm ý kiến của các bạn, dù là đồng tình với tôi hay phản đối tôi…!

Lớp trẻ cần tự hình thành hệ thống giá trị mới, Vương Trí Nhàn

– Chúng ta đang phát triển nóng quá. Nếu cả xã hội sống tỉnh táo, bình tĩnh, tự nhận thức chính xác về mình, làm gì đó theo đúng chuẩn mực, thì bằng những bước đi chắc chắn như thế, chúng ta sẽ giúp cho lớp trẻ một cơ hội thuận lợi.

Sự tha hoá của cái Tôi, Nguyễn Trần Bạt, 2008

Sự hạn chế của không gian tự do bên ngoài và bên trong đã làm cho cái Tôi tha hoá mà biểu hiện rõ rệt nhất của nó là sự mất mát năng lực… đây là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nếu không chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng xã hội bằng những viên gạch hỏng mà không lý giải được tại sao xã hội không phát triển. Thực tế ở nhiều quốc gia lạc hậu cho thấy, sự tha hoá của cái Tôi là kết quả của một đời sống tinh thần phát triển không lành mạnh dưới tác động của sự ràng buộc của tư tưởng, sự bao vây của văn hóa lạc hậu, sự níu kẻo của nghèo đói và trên hệ là sự cai trị của nhà nước. Tất cả, những yếu tố như vậy xuất hiện trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, chính trị cho đến giáo dục, làm cho con người trở nên lệch lạc và kết quả là con người không còn đủ các năng lực để thích nghi với cuộc sống hiện đại.
Sống trong những môi trường chính trị, kinh tế và văn hoá phi dân chủ, phi tự nhiên một cách lâu dài sẽ làm con người biến dạng, con người không có đủ cảm hứng và cũng không đủ năng lực để tạo ra giá trị, tạo ra cuộc sống của chính mình. Đó không phải là cuộc sống của sự tiến bộ mà là cuộc sống mất cân bằng hay bị tha hoá từ bên trong. Quan sát hàng ngày rất dễ thấy hiện tượng mất mát, thiếu hụt năng lực ở số đông con người trong các xã hội chậm phát triển. Có thể kể ra ở đây một số loại năng lực cơ bản, đó là: Mất năng lực phản ánh sự thật; Thiếu hụt năng lực xấp xỉ, định hình tương lai; Mất năng lực hướng dẫn chính trị…

Định vị và định hướng Giá trị Đời người, Nguyễn Tất Thịnh

Triết lý của cuộc sống là hành trình.
Để hành trình phải định vị.
Muốn định vị phải phản tỉnh.
Phản tỉnh ư? Hãy soi lại bản thân. (Cảnh báo xã hội, Nguyễn Tất Thịnh)

Động lực là Khát vọng, điều cốt lõi là Đức tin… và Mục tiêu ư? Thật ra không quan trọng lắm đâu, cách chúng ta Đi mới là cốt yếu của Nhân Sinh Quan!

(E. Ki)

Văn hóa không phải là cái mà chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học. Cái còn lại cho ta đó là tư tưởng, là đạo nghĩa là thị hiếu và quan niệm, nó làm tăng giá và cao nhã cái ý thức của chúng ta về cuộc đời.