HomeTin tức

Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long – Hà Nội

Con người gắn với văn hóa như hai chị em sinh đôi, thậm chí như hai trang của một tờ giấy vậy. Con người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người.

Thăng Long – Hà Nội là một trong những thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, hơn nữa lại là thành phố duy nhất hầu như liên tục trong một ngàn năm qua, đã giữ vững vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước.

Với vị thế đó, từ lâu Thăng Long – Hà Nội đã thu hút người từ mọi miền đất nước về đây sinh sống và lập nghiệp. Đó là những người làm việc ở các cơ quan Nhà nước TW, những người làm các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ, những người hoạt động trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật… và cùng với họ, là gia đình bà con và họ hàng của họ. Sự tập hợp ngày càng đông cư dân từ mọi miền đất nước đã biến Thăng Long – Hà Nội thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước. Cần lưu ý điều này vì trong số cư dân nhập về Thăng Long – Hà Nội có một bộ phận đáng kể là những người tiêu biểu cho trí tuệ, tài hoa ở các vùng miền, họ muốn về Thăng Long – Hà Nội để phát triển tài năng trí tuệ của mình. Ngoài các ngành nghề truyền thống của các tỉnh lân cận Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Nam Định… từ lâu đã có mặt tại Thăng Long – Hà Nội, còn có những nhà văn hóa tiêu biểu của vùng Kinh Bắc, Hải Dương, Hà Tây, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh… Như vậy, với vốn văn hóa bản địa của nhóm cư dân sinh ra và lớn lên từ rất lâu đời trước đây gần ngàn năm qua, văn hóa Thăng Long – Hà Nội luôn được bổ sung bởi các giá trị từ các vùng miền khác nhau. Và đến lượt mình, các giá trị văn hóa của các vùng miền khi có mặt ở Thủ đô, được tiếp xúc với trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, đã luôn vận động và phát triển để phù hợp với nhu cầu mới của thực tiễn. Chính trong quá trình vận động đó, nhiều nhân tố lỗi thời, lạc hậu, có tính biệt lập trong văn hóa các vùng miền sẽ được khắc phục dần dần, để giữ lại và phát huy những nhân tố tích cực, có tính phổ biến.

Thăng Long – Hà Nội nằm ở châu thổ sông Hồng, nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Chính nơi đây là địa bàn sinh sống của người Việt cổ, rất đậm đặc các thần thoại, truyền thuyết, đền đài miếu mạo, phản ánh sâu sắc quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các truyền thuyết về vua Hùng, về Thánh Gióng, về Chử Đồng Tử, về các vị thành hoàng đã có công khai phá bờ cõi và các làng nghề truyền thống… hầu như có mặt khắp nơi trên đất Thăng Long – Hà Nội. Chính cái kho tàng văn hóa dân gian đó đã tạo nên một động lực quan trọng, một sức sống lớn để Thăng Long – Hà Nội vượt qua mọi thách thức của lịch sử, trở thành chỗ dựa vững chắc về trí tuệ, ý chí, nghị lực và niềm tự hào của cả dân tộc. Đáng chú ý là trong sự nghiệp xây đựng nước Đại Việt, các triều đại phong kiến trước đây đã có ý thức dựa vào các giá trị di sản do cha ông để lại. Họ biết sử dụng các giá trị đó để cổ vũ niềm tự hào dân tộc Vua Lý Thái Tổ đã đặt tên cho quốc đô là Thăng Long, phong cho thần Long Đỗ làm thần thành hoàng của quốc đô. Cũng Lý Thái Tổ cho lập ở làng Gióng đền thờ Thánh Gióng. Nhà Lý nâng lễ Thánh Gióng lên quốc lễ.

Có thể nói, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Đại Việt được khởi đầu từ Thăng Long. Các vương triều Việt Nam ở thời cường thịnh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức (trong nhân dân và luôn chăm lo chỉnh đốn việc học hành thi cử.

Năm 1070, nhà Lý lập Văn miếu, mở khoa thi đầu tiên gọi là Minh Kinh Bắc Học năm 1075, lập Quốc Tử Giám năm 1076, sau đó mở tiếp các khoa thi vào các năm 1086, 1152, 1193, 1195. Có thể coi đó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của chế độ giáo dục và thi cử trong lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam.

Nhà Trần lập Quốc Học Viện, mở các khoa thi đều đặn hơn và còn bổ dụng các quan xuống các phủ để trông coi việc học tập. Đến thời Lê sơ thì chế độ khoa cử càng được hoàn chỉnh, cứ 3 năm có một kỳ thi Hương và một kỳ thi Hội. ở thời Lê Thánh Tông, số sĩ tử rất đông. Quốc Tử Giám có giảng đường học tập, có ký túc xá cho học sinh, có kho lưu trữ sách. Nhà Lê đặt ra lê xướng danh (lễ đọc tên người đỗ), lễ vinh quy (lễ đón rước người đỗ đạt về làng), lễ khắc tên tuổi người đỗ tiến sĩ vào bia đá ở Văn Miếu. Cũng thời Lê Thánh Tông, triều đình đã ban hành 24 điều giáo huấn nhằm đưa Nho giáo vào văn hóa làng xã, đề cập các vấn đề đạo đức về gia đình, tông tộc, thôn xóm theo lễ, nghĩa, hiếu, trung… Chính trên nền tảng giáo dục đó, một nền văn hóa bác học đã ra đời, và trung tâm, đỉnh cao của nó vẫn là Thăng Long – Hà Nội.

Điều cần lưu ý là tại nơi đây đã sớm có sự giao thoa chặt chẽ giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Thông thường thì trong các xã hội trước đây, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học có sự mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau, vì văn hóa dân gian là văn hóa của quần chúng nhân dân, của những người lao động bị áp bức trong xã hội có thống trị giai cấp. Còn văn hóa bác học là văn hóa của giai cấp thống trị. Nhưng điều đó đã không xảy ra trong nền văn hóa Đại Việt ở Thăng Long. Điều này cũng dễ hiểu, vì suốt mấy trăm năm cường thịnh, giai cấp phong kiến Việt Nam thời Lý, Trần, Lê đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử to lớn: lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc. Trong bối cảnh đó việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, khoan sức cho dân, để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, chính sách thân dân, có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với dân tộc, mà còn đối với các vương triều. Tinh thần đó được thể hiện rất rõ trong “Hịch tướng sĩ văn của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyên Trãi.

Văn hóa dân gian đã trở thành mạch ngầm nuôi dưỡng dòng văn học bác học. Nhiều giá trị văn hóa dân gian đã thấm sâu vào văn hóa bác học dưới nhiều hình thức (dù đó là công trình kiến trúc đền chùa, cung đình, hay các tác phẩm văn học…). Ngược lại, thông qua văn hóa bác học, mà đại diện là các tầng lớp trí thức, nho sĩ thời bấy giờ, các giá trị văn hóa dân gian của từng vùng, miền, của các địa phương, đã được nâng lên thành các giá trị có ý nghĩa toàn dân tộc. Rõ ràng, so với tất cả các địa phương ở nước ta trước đây thì ở Thăng Long – Hà Nội đã diễn ra một cách có ý thức và thường xuyên sự giao thoa, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học nhằm xây dựng và củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Phải chăng đó cũng là nét đặc thù của văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Sự xuất hiện dòng văn học bác học ở Thăng Long từ thế kỷ XI, đặc biệt từ thế kỷ XIII, XIV đã làm rạng rỡ thêm nền văn hóa Thăng Long, trung tâm và đỉnh cao của văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh, trí tuệ, tài hoa của người Thăng Long – Hà Nội được thể hiện khá rõ nét ở đây. Nếu ta coi văn học là nhân học – văn học là con người, thì chính dòng văn học Thăng Long – Hà Nội một ngàn năm qua là tấm gương soi rõ nhất con người Thăng Long – Hà Nội. Chính trên mảnh đất này đã vang lên khúc ca hùng tráng của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo… và cả tiếng khóc bi hùng của Hoàng Diệu khi Thăng Long bị thất thủ trong “Biểu trần tình”. Hàng loạt thơ văn mang triết lý sâu sắc về cuộc đời đã xuất hiện trên đất Thăng Long. Có lẽ trên đất Việt Nam này, ít ở đâu xuất hiện một dòng văn học sớm quan tâm đến ý nghĩa của cuộc đời, thân phận của con người và mối quan hệ thân thiết gắn bó giữa con người với thiên nhiên và tạo vật như ở Thăng Long – Hà Nội. Dù tác giả là ai, từ đâu tới, thì tác phẩm của họ vẫn toát lên một tình yêu tha thiết với con người và cảnh vật của Thăng Long, dĩ nhiên, qua đó là niềm tự hào và tình yêu mãnh liệt đối với non sông đất nước Việt Nam.

Đó là bối cảnh văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, là “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” (“Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn). Trên cái nền tảng tinh thần đó, con người Thăng Long – Hà Nội dần dần được hình thành cái nét dáng riêng của nó. Vậy nét dáng riêng của người Thăng Long – Hà Nội là gì? Sẽ là vô nghĩa, thậm chí bất lợi, nếu chỉ đi tìm những cái riêng có của người Hà Nội trong sự tách rời cái chung của người Việt Nam ở mọi miền đất nước, bởi như trên đã nói, văn hóa Thăng Long – Hà Nội vốn là bản giao hưởng các giá trị văn hóa của mọi miền đất nước. Nhưng mặt khác, “bản chất con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội” (C.Mác), con người là chủ thể và sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, trong cái chung của toàn dân tộc vẫn có cái riêng của từng vùng, từng miền. Thăng Long – Hà Nội vốn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Vị trí đó đã dần dần hun đúc nên những phẩm chất nổi bật của con người Hà Nội.

Sống ở trung tâm và đầu não chính trị của cả nước, người Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Nhưng âm thanh chủ đạo của ngàn năm qua vẫn là tiếng nói hào hùng, là hào khí Thăng Long. Cái hào khí đó tạo nên cái âm vang chung từ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo… cho đến “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh. Cái hào khí đó được thể hiện trong tinh thần “Sát thái” của quân sĩ thời Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, trong tinh thần của Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than (thời nhà Trần đánh Nguyên Mông), trong khẩu hiệu “Không gì quý hơn độc lập tự do” và trong tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở thời đại Hồ Chí Minh, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sống trong môi trường vốn là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, là nơi mà sự nghiệp giáo dục sớm phát triển, nơi có trướng đại học đầu tiên, nơi chế độ thi cử để tuyển chọn người tài được tổ chức khá thường xuyên, người Thăng Long – Hà Nội có nhu cầu cao về phát triển trí tuệ, phát triển tài năng, và trong thực tế, người Hà Nội từ bao đời nay đã chứng tỏ các khả năng đó. Phải chăng từ rất lâu, Thăng Long – Hà Nội đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ, tài năng của cả dân tộc. Qua các thời đại, nhiều danh sĩ, nho sĩ, nghệ sĩ đã tìm đến Thăng Long – Hà Nội để lập nghiệp, và cũng chính trên mảnh đất này, sự nghiệp của họ mới được phát triển rực rỡ nhất. Giải thích hiện tượng này không thể tách rời các tố chất riêng có của người Hà Nội. Các tố chất đó là sản phẩm trực tiếp của môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Thăng Long – Hà Nội. Việc xuất hiện các vương triều cần thịnh suốt mấy trăm năm (Lý, Trần, Lê) với chính sách thân dân, quan tâm thực sự đến cuộc sống của người cùng dân, với chính sách đào tạo và trọng dụng người tài… đã biến Thăng Long – Hà Nội sớm trở thành điểm sáng của phong trào phục hưng dân tộc. Tinh hoa của người Thăng Long – Hà Nội được hình thành từ điểm sáng đó.

Thăng Long – Hà Nội là một đô thị có lịch sử khá lâu đời. Trước khi Lý Công Uẩn thảo Chiếu dời đô (1010) biến Thăng Long thành quốc đô, thì Thăng Long được coi là kẻ chợ – Trung tâm kinh tế lớn. Tuy là một đô thị lâu đời, nhưng cuộc sống ở đây không đoạn tuyệt với cuộc sống ở các vùng nông thôn. Trái lại cư dân ở đây vẫn có mối dây liên hệ mật thiết với làng quê. Nhiều nhà thờ họ, thờ thành hoàng, thờ ông tổ truyền nghề được cư dân các nơi đưa về xây dựng trên đất Hà Nội. Nhiều lễ hội của các làng quê cũng được tổ chức thường xuyên tại đây.

Các cuộc họp đồng hương, đồng tộc của cư dân các vùng miền trên đất Hà Nội diễn ra liên tiếp… Tất cả những sinh hoạt đó càng tô đậm các yếu tố tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân Thăng Long – Hà Nội. Và như vậy, dòng văn hóa dân gian ở các làng quê vấn tiếp tục nuôi dưỡng đời sống tinh thần của thị dân. Sự ảo lưu và phổ biến các giá trị văn hóa dân gian đó sẽ có tác dụng hai mặt:

Không làm cho văn hóa đô thị, con người đô thị tách khỏi cội nguồn dân tộc của mình, thông qua đó, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Mặt thứ hai, nếu không định hướng và quản lý tốt, thì các hoạt động đó dễ dẫn tới việc duy trì những nhân tố tiêu cực vốn đã tồn tại lâu dài trong văn hóa dân gian: tính bảo thủ, khép kín, trì trệ, ngại đổi mới, đầu óc địa phương chủ nghĩa… Sinh ra và lớn lên trong môi trướng văn hóa nghệ thuật anh hùng và tao nhã, luôn gắn chặt với vận mệnh của quốc gia, gắn chặt với thân phận của con người, thường xuyên trăn trở với nỗi đau của con người, đặc biệt của người cùng khổ, các thế hệ người dân Thăng Long – Hà Nội được giáo dục ngay từ tấm bé những cảm nhận sâu sắc, những rung động tinh tế trước cuộc đời, trước con người và thiên nhiên tạo vật.

Phải chăng những nhân tố đó góp phần hình thành nét thanh lịch của người Trường An:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An

Nét thanh lịch duyên dáng đó được nẩy sinh bên cạnh cái hào khí Thăng Long đã làm tăng vẻ đẹp của người Thăng Long – Hà Nội tạo nên ở họ cái chất anh hùng và nghệ sĩ. Chất anh hùng và nghệ sĩ đó được biểu hiện một cách tập trung trong nhân cách và tác phẩm của những danh nhân văn hóa tiêu biểu nhất của Thăng Long – Hà Nội, kể từ Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo… và ở thời đại chúng ta, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã từng khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay tại Thủ đô Hà Nội, và trong nhiều năm lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến và cách mạng của cả nước, đã gắn bó trực tiếp với nhân dân Hà Nội.

Trong dịp kỷ niệm trọng thể 995 năm và tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mỗi người chúng ta đều có quyền tự hào về mảnh đất rực rỡ của ngàn năm văn hiến. Mảnh đất đó đã hình thành nuôi dưỡng những phẩm chất đẹp đẽ, vừa rất tiêu biểu lại vừa rất độc đáo của tâm hồn Việt Nam. Trên cái gam chủ đạo là tâm hồn Lạc Việt, vẫn vút lên những âm thanh riêng có của người Hà Nội. Sức gợi cảm của Thăng Long – Hà Nội là ở đó, khiến những ai đã một lần đến Hà Nội, hoặc được nghe nói về Hà Nội, đều phải dành tình cảm cho Hà Nội. Đúng như một nhà thơ, một vị tướng quân Nam Bộ đã viết:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

(Huỳnh Văn Nghệ)

Trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước, đang đứng trước những biến động mới. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xu thế hội nhập quốc tế và cơ chế kinh tế thị trướng đang đặt ra những yêu cầu mới, những thách thức mới. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng đòi hỏi mỗi người Hà Nội tự nhìn nhận bản thân mình, tự khẳng định những giá trị trường tồn, và cả những yếu kém do lịch sử để lại. Chỉ trên cơ sở đó mới có khả năng xây dựng những con người mới của Thủ đô văn minh và hiện đại.

Điều đáng mừng là, cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động về kinh tế – xã hội, đặc biệt do xu thế hội nhập quốc tế, xu thế đô thị hóa và nền kinh tế thị trường gây ra, đại đa số người Hà Nội vẫn bảo thủ được các giá trị truyền thống của ngàn năm văn hiến. Tinh thần tự hào và ý thức bảo vệ các di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội vẫn là nguồn nhựa sống trong tâm hồn các thế hệ công dân Thủ đô. Tinh thần hiếu học, ý thức vươn lên làm chủ khoa học công nghệ đang hình thành khá phổ biến trong thế hệ trẻ. Sự gắn bó của người dân Thủ đô vội nơi chôn rau cắt rốn của mình, và nói rộng ra, với nông thôn vẫn được thế hệ cha anh lưu giữ và giao truyền lại cho thế hệ trẻ.

Tuy vậy, cuộc sống cũng đang phơi bày không ít các hiện tượng tiêu cực. Có những hiện tượng đó tác động của mặt trái của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trướng, cùng những bất cập trong điều hành và quản. lý đô thị. Nhưng cũng có những hiện tượng có gốc rễ sâu xa từ những yếu kém trong văn hóa truyền thống (những yếu kém này là sản phẩm của tình trạng kém phát triển về kinh tế xã hội trong quá khứ). Vì vậy, vấn đề xây dựng con người Hà Nội trong tình hình hiện nay không thể tách rời sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, không tách rời việc khai thác phát huy các giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, không tách rời việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý đô thị ở Thủ đô.